Joshua Yip, bạn triệu phú người Singapore của Lý Nhã Kỳ chia sẻ 5 điểm làm nên sự khác biệt trong lối sống giới trẻ Việt – Singapo.
Một trong những triệu phú trẻ nhất quốc đảo Singapore có mối quan hệ thân thiết với Lý Nhã Kỳ đã có những chia sẻ về sự giống và khác nhau trong lối sống giới trẻ Việt và Singapore.
Joshua Yip từng chia sẻ về tình yêu đất nước con người Việt Nam trong một bài phỏng vấn: “Tôi đã đến đất nước xinh đẹp này nhiều lần đến mức tôi không thể nhớ được và tôi nghĩ rằng mình đã dành cho nơi này một tình yêu…
Tôi không hiểu tại sao mình lại yêu Việt Nam đến thế nhưng tôi chắc chắn mình là fan hâm mộ cuồng nhiệt của món phở bò và cơm tấm! Tôi nghĩ mình sẽ có một kế hoạch lớn ở đây”.
Anh cũng chia sẻ về những kế hoạch của anh đối với ngành giáo dục chuyên nghiệp tại Việt Nam để giúp giới trẻ Việt có thể bắt kịp với bạn bè quốc tế:
“Việt Nam là một xã hội thú vị với số dân có học vấn và sự hiểu biết ngày càng tăng và tôi có kỳ vọng rất lớn đối với việc đất nước này trở thành một cường quốc kinh tế năng động và náo nhiệt các thập kỷ tới!”.
Sau đây là những chia sẻ về sự giống và khác nhau trong lối sống giới trẻ Việt và Singapore của Joshua Yip:
Tính năng động và chủ động trong cuộc sống
Chia sẻ với sucsongtre.net Yip cho rằng thanh niên ở Singapore năng động và chủ động hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp và con đường sự nghiệp.
Trẻ em Singapore đã được rèn luyện tính độc lập, không ỷ lại ngay từ bé. Họ tự tham gia các chương trình dã ngoại, ngoại khoá, rèn luyện kỹ năng sống một cách có ý thức và độc lập.
Ngay từ nhỏ, các bậc phụ huynh Việt Nam đã có tâm lý phó mặc con mình cho nhà trường mà không có sự phối hợp ăn ý.
Hậu quả khi lớn lên, nhiều thanh niên vẫn còn mơ hồ con đường tương lai phía trước, lựa chọn sự nghiệp theo trào lưu đang “nóng” trong xã hội và phụ thuộc vào sự sắp đặt của bố mẹ.
Thậm chí có thanh niên học đại học chỉ vì ý nguyện của gia đình. Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chính tư duy “cha mẹ chỉ đâu con đánh đó” đã khiến một bộ phận thanh niên đi lệch hướng. Thanh niên Việt Nam cần phải tự mình tìm con đường của bản thân.
Khao khát cống hiến và đãi ngộ nhân tài
50% thanh niên Singapore muốn làm việc cho nhà nước. Theo khảo sát năm 2012, Ủy ban phát triển kinh tế Singapore là nơi thanh niên Singapore hướng tới. Một trong những lý do chủ đạo là chính sách trọng dụng nhân tài của Singapore.
Chính phủ Singapore xây dựng được một cơ chế tuyển dụng nhân tài để tạo điều kiện cho các cá nhân xuất sắc vươn lên bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo.
Ngoài ra, Singapore dành tặng phần thưởng dựa trên năng lực và thành tích của các cá nhân. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều có cơ hội cạnh tranh để tìm kiếm thành công.
Còn thanh niên Việt Nam lại mong muốn được tham gia các công ty tư nhân hoặc công ty nước ngoài do chính sách đãi ngộ tốt hơn. Làm việc trong các cơ quan hành chính đòi hỏi nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp, “hành là chính” khiến người trẻ e dè.
Rõ ràng, cơ chế làm việc ở cơ quan nhà nước Việt Nam không thật sự hấp dẫn với lối sống giới trẻ ngày nay. Hơn hết, Việt Nam hiện tại vẫn còn tư tưởng “con ông cháu cha”.
Gần đây, phát ngôn gây tranh cãi của một quan chức nhà nước khi cho rằng “việc con em lãnh đạo được giao trọng trách quản lý là điều hạnh phúc cho dân tộc, không có gì phải nghi ngại” càng làm thanh niên Việt Nam bất mãn.
Tính cạnh tranh cao và sự công bằng
Ở đảo quốc sư tử, thanh niên vươn lên, phấn đấu trong công việc, tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, bên cạnh tinh thần tập thể, vai trò cá nhân được đề cao trong các công ty đa quốc gia giúp mỗi cá nhân định vị giá trị bản thân của mình.
Giải thích về điều này, chính nền tảng sự độc lập đã được rèn luyện cho con trẻ ngay từ nhỏ, cộng với sự ưu đãi trọng dụng người tài một cách công bằng và hiệu quả đã khiến thanh niên Singapore phấn đấu hết mình cống hiến cho đất nước.
Trong khi đó, thanh niên Việt Nam lại phần lớn khá thụ động, thường có tư tưởng ngồi mát ăn bát vàng. Tại Việt Nam, đi đôi với tài năng cần có những mối quan hệ thân thiết hay bè phái khác thì mới đầu xuôi đuôi lọt mọi chuyện.
Thanh niên Việt Nam nếu có tham vọng làm giàu nhưng thích đi đường tắt như sử dụng quyền lực của gia đình, lợi dụng mối quan hệ quảng giao. Số khác, lại chọn những công việc ổn định, lương vừa đủ với tư tưởng an phận, hoàn toàn không có tinh thần cầu tiến.
Chạy theo trào lưu đám đông
Thanh niên Singapore đa phần không bị tâm lý đám đông chi phối trong lối sống. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu bên ngoài.
Ví dụ tiêu biểu như trong việc sử dụng điện thoại. Trong khi giới trẻ Singapore lại chịu khó tìm hiểu về công nghệ và chọn điện thoại theo nhu cầu sử dụng và sở thích của cá nhân thì giới trẻ Việt Nam lại chạy theo xu hướng sử dụng iPhone vì sự đánh giá địa vị xã hội, dù phần lớn họ không biết tất cả tính năng của chiếc smartphone đang sử dụng.
Trào lưu đám đông thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi thanh niên Singapore chọn học theo nhu cầu và năng khiếu bản thân, thì tại Việt Nam giới trẻ lại chọn theo tính thời thượng xã hội.
Cách đây 10 năm về trước, hàng loạt thanh niên Việt Nam chạy theo ngành kế toán ngân hàng. Trong thời gian gần đây, nổi lên xu hướng học ngoại thương.
Các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam không được chú trọng phát triển. Vì vậy, nhiều thanh niên Việt Nam thậm chí không hề biết tham vọng của mình là gì mà chỉ chăm chú chạy theo sự biến động xã hội.
Sự cọ xát thực tế từ nền giáo dục tối ưu
Theo thống kê, gần 100% thanh niên Singapore tham gia vào các câu lạc bộ ở trường lớp và sinh hoạt ngoại khóa.
Trong lĩnh vực giáo dục hiện đại tại Singapore, việc ra đề thi khơi gợi sự sáng tạo khiến thanh niên Singapore tránh tình trạng học thuộc lòng, học vẹt. Chính điều này tạo nên tâm lý thoải mái, ham học hỏi, tăng tính thực tế cho thanh niên Singapo.
Ngược lại, thanh niên tại Việt Nam lại phải tiếp thu một lượng lớn lý thuyết, việc học thêm khiến giới trẻ không đủ thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, cộng đồng.
Theo như một nghiên cứu của Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay cũng chỉ có khoảng 20 – 30% sinh viên tham gia vào các hoạt động xã hội như công tác Đoàn, thanh niên, từ thiện…
Chính vì thế, thanh niên Việt Nam đang thiếu hụt kỹ năng sống trầm trọng. Số liệu năm 2015, cả nước ta có khoảng 63% sinh viên thất nghiệp vì thiếu kỹ năng, 70,8% cử nhân ra trường lại làm những công việc trái ngành nghề được đào tạo, chỉ có khoảng 19% cử nhân làm đúng ngành nghề được đào tạo.