Nhịp sống trẻ :Các nhà tuyển dụng trước đây chỉ lấy chỉ số thông minh IQ làm thước đo giá trị cá nhân nhưng họ cũng rất coi trọng EQ
IQ và EQ là hai yếu tố bổ trợ để thành công
Ông Laszlo Bock, người phụ trách tuyển dụng nhân sự tại Google cho rằng “mặc dù thành tích về điểm số là rất cần” nhưng công ty của ông cũng đang tìm kiếm những ứng viên có các kỹ năng mềm như “năng lực lãnh đạo, đức khiêm tốn, tinh thần hợp tác, khả năng thích ứng linh hoạt và yêu thích học hỏi và tái đào tạo.
Tuy nhiên các lãnh đạo doanh nghiệp tham gia điều tra của Weforum cho rằng, hệ thống giáo dục hiện nay đang không cung cấp cho người lao động những kỹ năng mà giới chủ doanh nghiệp cần.
Ngay cả ở Singapore, quốc gia được cho là có những đứa trẻ thông minh nhất thế giới và luôn giành được thứ hạng cao trong điểm số PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện) thì năm 2015 vẫn ghi nhận tình trạng thiếu tới 30% nhân sự có kỹ năng đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng.
Báo cáo của Weforum liệt kê “Trí tuệ cảm xúc – EQ” nằm trong 10 kỹ năng hàng đầu giới trẻ cần được trang bị ở giai đoạn năm 2020.
Có thể thấy là để chuẩn bị cho môi trường làm việc trong tương lai, ngoài kiến thức chuyên môn về học vấn, giới trẻ vẫn cần trang bị những kỹ năng mềm nói một cách khác là thông minh cảm xúc (EQ).
Lúc này, mọi người mới nhìn nhận ra rằng, IQ không là yếu tố đo lường đúng đắn nhân cách của con người và cũng không quyết định sự thành công của một con người trong cuộc sống. Cần phải có một thước đo khác nhân bản hơn bởi sự có ích hay không có ích với công việc, cộng đồng trước hết xuất phát từ hệ thống cảm xúc của cá nhân trong mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng.
Chỉ số EQ đã ra đời như vậy. Năm 2005, trong cuốn sách có lời đề tựa Emotional Intelligence (Trí tuệ cảm xúc), nhà tâm lý học Daniel Goleman đã đề cập đến chỉ số cảm xúc trong lĩnh vực trí tuệ, còn gọi là sự thông minh của tâm hồn hoặc thông minh trong cảm xúc. Ông đã đề xuất 7 tiêu chí để đánh giá chỉ số EQ, đó là:
– Có động cơ phấn đấu
– Kiên trì
– Khả năng kiềm chế
– Khả năng điều chỉnh cảm xúc
– Sự thấu cảm
– Tinh thần lạc quan
Tuy nhiên, phải đến năm 2006, 2 nhà tâm lý học Peter Salovey (Đại học Yale) và John Mayer (Đại học Hampshire, Mỹ) mới được coi là có công trong nghiên cứu chẩn đoán và đưa ra chỉ số EQ.
Châu Á đang chuyển đổi triết lý giáo dục, kết hợp IQ với EQ sẽ có được thành công vững chắc
EQ (Emotional Quotient: chỉ số thông minh cảm xúc) là một quan niệm phức tạp bao gồm những đức tính như hiểu được cảm xúc (hay tình cảm) của chính mình, thông cảm hay đồng cảm với người khác, điều hòa được cảm xúc (hay tình cảm) sao cho cuộc sống thăng tiến, hòa hợp được với người khác, v.v…
Với một nhà quản trị, chỉ số EQ cao luôn gắn liền với sự thành công trong kinh doanh. Trí thông minh cảm xúc thường gắn liền với khả năng tiếp xúc và thấu hiểu cảm giác của người khác. Khả năng này thực sự rất cần thiết trong việc quản lý nhân viên, thu hút, hấp dẫn khách hàng và các nhà đầu tư.
Nghiên cứu cho thấy, nếu chỉ để có một công ăn việc làm, người trẻ có thể chỉ cần có mức IQ tốt. Nhưng để được thăng tiến trong sự nghiệp, họ dứt khoát phải tập trung vào phát triển các kỹ năng mềm và cần phát triển chúng càng sớm càng tốt, ngay khi còn trên ghế nhà trường vì việc đó rất mất thời gian.
Thực tế cho thấy đã có những dấu hiệu chứng tỏ các chính phủ ở châu Á đã bắt đầu nhận thức được rằng chỉ trang bị các kỹ năng học vấn thôi là chưa đủ. Như Indonesia chẳng hạn, tổng thống nước này, ông Joko Widodo, sau chuyến công du tới châu Âu đã kêu gọi các bộ trưởng giáo dục và kinh tế nước này cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo Indonesia có một “lực lượng lao động sẵn sàng làm việc”.
Trên tất cả trẻ cần có khả năng học cách học và giao tiếp xã hội, một năng lực cần sớm được trang bị. Hệ thống giáo dục cần phải thay đổi từ lối học vẹt kiểu từ chương sang cách cung cấp các kỹ năng giải quyết vấn đề và những kỹ năng mềm hay còn gọi là kỹ năng xã hội, trí tuệ cảm xúc, thúc đẩy quá trình tích lũy những kỹ năng ấy thông qua các cơ hội học tập ở trường, ở nhà và trong môi trường thực tế.
Thay vì khăng khăng chú trọng phát triển cho trẻ đơn thuần về trí thông minh, hi vọng con đạt được điểm số thật cao hay có những thành tích xuất sắc tạm thời, thì phát triển IQ song song với EQ sẽ mang đến cho trẻ một sự thành công vững chắc và lâu dài trong tương lai khi lớn lên trẻ thông qua việc phát triển dựa trên 6 kỹ năng: tư duy phản biện, khả năng tập trung, khả năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, hợp tác và sự đồng cảm.
Nhà giáo dục John Amos Comenius, qua đời năm 1670 và thường được mô tả như vị cha đẻ của triết lý giáo dục hiện đại từng nói: “Nếu anh nói cho trẻ biết, chúng sẽ quên. Nếu anh chỉ cho trẻ thấy, chúng sẽ nhớ. Nếu anh kéo trẻ vào làm cùng, trẻ sẽ học”.
Do đó hãy tạo điều kiện trải nghiệm thực tế ở giai đoạn tương đối sớm với người trẻ để họ phát triển các kỹ năng mềm, trải nghiệm đời sống xã hội và xác định rõ những ước mơ nghề nghiệp để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.